rang tổng hợp tin tức hàng đầu của Mỹ Listverse hôm 28.5 đã liệt kê một số chiến dịch tuyệt mật của CIA mà trang tin này đánh giá là “bẩn thỉu” của cơ quan tình báo Mỹ.
Vờ chích vắc xin để lùng Bin Laden (Pakistan)
Hồi năm 2011, Mỹ lần ra nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama Bin Laden tại một biệt thự ở thị trấn Abbottabad, phía bắc Pakistan.
Trùm khủng bố Osama Bin Laden - Ảnh: Reuters
Nhưng trước khi tiến hành đột kích vào tòa nhà, CIA muốn có bằng chứng chắc chắn chứng tỏ trùm khủng bố đang ở trong đó.
Cơ quan tình báo Mỹ khi đó đã thuê một bác sĩ Pakistan danh tiếng đến Abbottabad để tổ chức một đợt tiêm vắc xin cho trẻ em nhằm thu thập mẫu máu của hàng ngàn đứa trẻ trong vùng.
Và kết quả xét nghiệm ADN cho thấy trong số các mẫu máu này có con của Bin Laden.
Bác sĩ Shakil Afridi, người tham gia chiến dịch của CIA, sau đó đã bị chính quyền Pakistan buộc tội phản quốc và bị kết án 30 năm tù giam.
Còn chiến dịch của CIA thì đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho những tổ chức đang tiến hành công tác tiêm phòng vắc xin thật.
Người dân tại nhiều vùng ở Trung Đông hay nghi ngờ những tổ chức cung cấp vắc xin phòng bệnh và chiến thuật tiêm vắc xin giả của CIA đã khiến những nghi ngờ nói trên càng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là tại các quốc gia như Nigeria, Ấn Độ và dĩ nhiên là Pakistan.
Trong khi đó, nhiều tổ chức y tế đang nỗ lực hết sức để tuyên truyền thuyết phục người dân tại những nước này tiêm phòng bại liệt.
Muammar Gaddafi
Nhà lãnh đạo quá cố của Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ vào tháng 8.2011 trước khi bị bắn chết trên đường lẩn trốn hai tháng sau đó.
Nhà lãnh đạo quá cố Libya Muammar Gaddafi - Ảnh: Reuters
Vào thời điểm đó, có rất ít thông tin đề cập đến sự can dự của các thế lực nước ngoài vào cái chết của ông Gaddafi.
Tuy nhiên, khoảng một năm sau, đã xảy ra một vụ việc làm phơi bày ra ánh sáng về sự dính líu của Mỹ trong cuộc nổi dậy ở Libya.
Vào hôm 11.9.2012, lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Bengazi bị các phiến quân Hồi giáo tấn công.
Tại thời điểm vụ tấn công diễn ra, không chỉ có nhân viên an ninh bên trong lãnh sự quán Mỹ chống trả với phiến quân, mà còn có khoảng gần 10 đặc vụ CIA được điều động từ một cơ sở bí mật nằm bên trong Bengazi đến ứng cứu, theo Listverse.
Điều này chứng tỏ CIA vẫn luôn hiện diện tại Libya từ trước khi vụ tấn công nổ ra.
Cơ quan này sau đó đã phải thừa nhận là có duy trì một lực lượng khá dày tại Libya từ tháng 2.2011, cũng chính là thời điểm cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Gaddafi nổ ra.
Căn nhà nơi làm cơ sở bí mật của CIA tại Libya hiện đã bị bỏ hoang sau vụ tấn công hôm 11.9.2012, Listverse cho hay.
Chiến dịch CHAOS
Các cuộc biểu tình phản đối việc đưa quân đến Việt Nam tại Mỹ hồi giữa thập niên 1960 đã gây cản trở cho các chính sách của chính quyền Mỹ thời bấy giờ.
CIA được cho là đã tiến hành nghe lén chính người dân Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam - Ảnh minh họa Reuters
Vì thế, để đảm bảo không có thế lực ngoại quốc nào tham gia vào phong trào phản chiến tại Mỹ, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Lyndon B. Johnson đã cho phép CIA triển khai Chiến dịch CHAOS, theo dõi chính người dân Mỹ.
Mục đích chính của chiến dịch này là thâm nhập vào các tổ chức sinh viên phản chiến để nghe lén xem có ảnh hưởng từ nước ngoài đối với các tổ chức này, đồng thời cũng tiến hành các hoạt động phá hoại nội bộ.
Các nhóm sinh viên phản chiến nổi tiếng thời đó là “Sinh viên vì một xã hội dân chủ” và nhóm Báo Đen là mục tiêu của Chiến dịch CHAOS. Sau đó chiến dịch này được mở rộng sang theo dõi các hoạt động đấu tranh vì nữ quyền và các nhóm người Do Thái.
Listverse cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động nghe lén người dân của chính phủ Mỹ vẫn chưa dừng lại, mặc dù Chiến dịch CHAOS đã bị đình lại sau vụ bê bối Watergate.
Vào năm 2011, CIA bị chỉ trích dữ dội khi bị phanh phui là đã hợp tác với Sở Cảnh sát New York để theo dõi và nghe lén cộng đồng người Hồi giáo trong khu vực.
Phiến quân Mujahideen (Afghanistan)
Hồi năm 1978, Afghanistan xảy ra nội chiến giữa chính phủ của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) và lực lượng phiến quân Mujahideen.
Các tay súng thuộc lực lượng phiến quân Mujahideen ở Afghanistan - Ảnh: Reuters
Liên bang Xô viết lúc bấy giờ ủng hộ PDPA trong khi Mỹ và nhiều nước khác thì “chống lưng” cho phe đối lập.
CIA được cho là đã huấn luyện quân sự cho Mujahideen để chống lại quân Liên Xô, theo Listverse.
Ngoài ra, cơ quan này còn cung cấp các loại vũ khí tiên tiến thời bấy giờ, đặc biệt là loại tên lửa phòng không Stinger, cho phe nổi dậy.
Không quân Liên Xô khi ấy đã đánh bật hàng trăm chiến binh Mujahideen tháo chạy khỏi các thành phố và rút vào vùng đồi núi, nên việc cung cấp tên lửa Stinger cho phiến quân đã giúp phe này cầm cự lâu hơn và gây tổn thất cho quân Liên Xô.
Sau khi quân Liên Xô rút khỏi Afghanistan thì lực lượng Mujahideen vẫn còn tồn tại.
Và CIA hiện đang phải trả giá cho việc trợ giúp lực lượng này khi mà các cựu chiến binh Mujahideen đã dùng chính các chiến thuật và phương pháp huấn luyện của CIA để đào tạo ra các phần tử khủng bố thiện chiến, vốn là rường cột của Al Qaeda và các tổ chức cực đoan khác.
Chiến dịch Ajax (Iran)
Vào năm 1951, ông Mohammed Mossadegh trở thành thủ tướng do dân cử đầu tiên của Iran và ông này bị chính quyền Mỹ thời bấy giờ xem như một hiểm họa vì kế hoạch quốc hữu hóa ngành dầu khí của mình, theo Listverse.
Mohammed Mossadegh trong phiên tòa xét xử ông hồi tháng 11.1953 - Ảnh: AFP
Lo sợ phải đối đầu với Liên Xô trong việc khai thác dầu mỏ của Iran, Mỹ đã tìm cách lật đổ ông Mossadegh và thay bằng một lãnh đạo thân với Mỹ.
Hai nhân viên CIA là Donald Wilber và Kermit Roosevelt Jr. (cháu của cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt) đã tiến hành một chiến dịch mua chuộc lớn tại Iran, đút lót cho quan chức nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp và thậm chí là các băng đảng tội phạm, để lật đổ Thủ tướng Mossadegh, theo Listverse.
Chiến dịch thành công, với việc ông Mossadegh bị bắt giam và Fazlollah Zahedi, một vị tướng Iran thân với phương Tây đã được chỉ định làm thủ tướng.
Được biết, có khoảng từ 300-800 người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy này.